-
- Tổng tiền thanh toán:
9 bệnh Cơ xương khớp thường gặp và cách điều trị
Tác giả: LÊ VĂN HƯNG Ngày đăng: 13/10/2020
Bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng trẻ hóa, không chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi mà còn gặp ở cả người trẻ. Tuyệt đối không nên chủ quan vì ai cũng có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp sau đây.
Các bệnh cơ xương khớp giờ đây không chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi, mà còn xuất hiện ở nhiều người trẻ, nhất là những người làm việc văn phòng, người thường xuyên phải lao động nặng.
9 bệnh cơ xương khớp thường gặp và cách điều trị
Xã hội càng phát triển, áp lực công việc ngày càng nhiều, nhịp sống càng hiện đại khiến không ít người bỏ quên việc chăm sóc sức khỏe của mình, đặc biệt là chăm sóc và bảo vệ hệ cơ xương khớp.
BookingCare đã tổng hợp bài viết về các bệnh cơ xương khớp thường gặp cũng như biểu hiện điển hình của bệnh. Hy vọng bạn đọc có thêm những thông tin cần thiết để việc phòng tránh, đánh giá và điều trị bệnh tốt hơn.
1. Thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp là do mòn sụn khớp, thường xuất hiện ở các khớp chịu tải bởi trọng lượng cơ thể như khớp háng, gối, cột sống... gây đau, hạn chế hoặc mất chức năng khớp.
- Triệu chứng đầu tiên của hầu hết người bệnh thoái hóa khớp là đau và cứng (khó vận động) khớp, hay gặp nhất là khớp vùng cổ bàn tay, gối, háng và cột sống.
- Đau khớp thường tăng lên khi vận động và ở thời điểm cuối ngày.
- Cứng khớp thường xuất hiện vào buổi sáng, sau ngủ dậy.
- Tình trạng đau và cứng khớp làm cho bệnh nhân bị hạn chế một số động tác như xoay cổ, đứng lên ngồi xuống, lên xuống cầu thang, gấp cổ tay hoặc đưa với tay sang bên đối diện...
Điều trị thoái hóa khớp
- Điều trị thoái hóa khớp gồm nhiều biện pháp bao gồm giảm cân, vật lý trị liệu, thuốc và phẫu thuật.
- Phẫu thuật thay khớp được chỉ định (đối với thoái hóa khớp háng, khớp gối) khi tình trạng đau không còn được cải thiện mặc dù đã được điều trị bằng thuốc và tập luyện đúng phác đồ, trên phim chụp Xquang không còn nhìn thấy khe khớp giữa hai đầu xương.
- Bơi lội là bài tập tốt nhất cho thoái hóa khớp vì khi bơi lội dưới nước, áp lực lên khớp sẽ giảm, trong khi đó hệ thống cơ, đặc biệt cơ quanh khớp hoạt tích cực làm tăng sức khỏe cho cơ.
2. Bệnh Gout (gút)
Bệnh Gout là bệnh rối loạn chuyển hoá liên quan đến ăn uống do nồng độ axit uric quá cao đến lắng đọng các tinh thể urat (muối của axit uric) hoặc tinh thể axit uric. Triệu chứng bệnh Gout như sau:
- Khớp đau đột ngột, dữ dội, sưng tấy
- Khớp đau nhiều hơn khi đụng vào
- Khớp sưng đỏ
- Vùng xung quanh khớp ấm lên
Hầu hết các biểu hiện của bệnh gout thường kéo dài vài giờ trong 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần.
Điều trị bệnh gout
Nguyên tắc điều trị bệnh gout là điều trị viêm khớp trong cơn gout cấp và dự phòng tái phát cơn gout.
Trong điều trị bệnh gout, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát nồng độ acid uric trong máu ở mức cho phép, để ngăn chặn tái phát cơn viêm gout cấp và các biến chứng nguy hiểm của việc acid uric kết tinh và lắng đọng.
3. Bệnh viêm xương khớp
Vị trí tổn thương chủ yếu của viêm xương khớp là sụn khớp - sụn là mô bao bọc các đầu xương có vai trò làm giảm ma sát và đảm bảo các đầu xương có thể dẽ dàng trượt lên nhau khi vận động khớp.
Các khớp thường bị viêm đó là các khớp bàn tay, cột sống, đầu gối, hông. Bệnh này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên. Triệu chứng:
- Đau khớp: triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp. Đau có thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
-
Sưng khớp: nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng khớp là viêm khớp. Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây sưng khớp là tổn thương khớp. Vì vậy, nếu không có thương tích trước đó, có thể sưng là do viêm khớp.
-
Cứng khớp: những người bị viêm khớp hầu như luôn luôn cảm thấy cứng khớp. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài ngồi cố định ở một vị trí.
- Khi bị viêm xương khớp làm các khớp khó chuyển động...
Điều trị viêm xương khớp
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp nhưng mục tiêu điều trị chung là giảm đau, trả lại mức độ hoạt động cho khớp, hạn chế bệnh tái phát và ngăn ngừa biến dạng khớp. Các phương pháp điều trị viêm khớp bao gồm:
- Điều trị nội khoa: áp dụng cho hầu hết các trường hợp, có thể chỉ điều trị nội khoa bằng thuốc đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp phẫu thuật.
- Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật chỉ được chỉ định trong các trường hợp:
- Khớp không thể hoạt động được
- Đau kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, thẩm mỹ của bệnh nhân...
4. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm mạn tính tự miễn trong các khớp. Bệnh xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên mô xung quanh của khớp được gọi là bao hoạt dịch.
Bệnh ảnh hưởng đến nhiều khớp và cũng có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác của cơ thể. Các triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Khớp đau và cứng
- Sưng khớp
- Khả năng vận động khớp bị hạn chế
- Nóng đỏ quanh khớp
- Độ cứng khớp buổi sáng kéo dài trong một giờ trở lên
- Xuất hiện các nốt thấp
- Tổn thương các khớp đối xứng
- Tổn thương các khớp nhỏ bàn tay và bàn chân
- Bệnh tim, thận và phổi cũng có thể liên quan...
Điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn:
- Mục tiêu điều trị là nhằm đạt được lui bệnh hoặc duy trì bệnh ở mức độ hoạt động thấp, giảm triệu chứng viêm đau, ngăn chặn sự phá hủy khớp, duy trì chức năng, khả năng làm việc, ngăn ngừa tàn phế.
- Ở giai đoạn đầu, khi khớp mới bị sưng nóng nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt.
- Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn II, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động.
Do vậy, khi có các biểu hiện viêm khớp dạng thấp như trên người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng đáng tiếc.
Xem thêm bài viết:
5. Bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
- Triệu chứng bệnh loãng xương thường không rõ ràng. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương...
- Đau nhức đầu xương: người bệnh sẽ cảm thấy mỏi dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân
- Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần sau chấn thương, cơn đau thường âm ỉ và kéo dài lâu
- Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ
- Người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người.
Điều trị loãng xương
Loãng xương phải được điều trị trong thời gian dài nhiều năm, việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc.
- Mục tiêu của thuốc điều trị loãng xương là làm giảm nguy cơ bị gãy xương.
- Thuốc điều trị loãng xương được chia thành nhóm thuốc chống hủy xương và nhóm thuốc tăng đồng hóa.
Nhóm thuốc chống hủy xương làm giảm quá trình hủy xương trong khi nhóm thuốc tăng đồng hóa làm tăng quá trình tạo xương hơn quá trình hủy xương.
6. Tràn dịch khớp
Tràn dịch khớp (tràn dịch khớp gối, khớp cổ tay, cổ chân...) là bệnh rất dễ gặp, có thể sau một tai nạn giao thông, vấp ngã cầu thang... thậm chí thể dục sai cách cũng là nguyên nhân dẫn đến tràn dịch ổ khớp, đặc biệt là khớp gối. Dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp:
- Sưng nề ở khớp, một bên khớp này sẽ to hơn bên còn lại
- Khớp cử động bị hạn chế, không được linh hoạt
- Có hiện tượng đau khớp ít hay nhiều hoặc khiến người bệnh không di chuyển được...
-
Điều trị tràn dịch khớp
Để điều trị hiệu quả bệnh tràn dịch khớp cần xác định rõ nguyên nhân do tác nhân vật lý hay tác nhân bệnh lý. Nếu bệnh đang ở giai đoạn sớm, biện pháp nội khoa được ưu tiên, là sử dụng các thuốc giảm đau hoặc kháng sinh khi có nguy cơ hoặc đang bị nhiễm khuẩn.
Nếu tình trạng bệnh nặng nề, cần phải điều trị phẫu thuật và các can thiệp xâm lấn như:
- Chọc hút dịch khớp: Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết bác sĩ mới chỉ định áp dụng cách chữa trị này. Thực tế, việc chọc hút dịch khớp phải thật thận trọng và cần phải có bác sĩ Cơ xương khớp giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm thực hiện.
- Mổ nội soi: Biện pháp này được thực hiện khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp điều trị bệnh trên nhưng vẫn không khỏi. Chất dịch bị tràn ra nhiều khiến cho khớp bị sưng to và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.
7. Thoái hóa cột sống
Bệnh do cột sống phải chịu nhiều các tải trọng xảy ra liên tục, dẫn tới các biến đổi hình thái gồm các biến đổi thoái hóa ở các đĩa đệm, thân đốt sống và các mổm gai sau.
Thoái hóa cột sống thường tiến triển chậm, biểu hiện bởi sự tăng dần các triệu chứng: cứng, đau cột sống và hạn chế vận động. Thoái hóa cột sống được chia thành:
- Đau thắt lưng cấp
- Đau thắt lưng mạn tính
- Thoát vị đĩa đệm
- Thoái hóa cột sống cổ
-
Điều trị thoái hóa cột sống
Hiện nay, y học chưa tìm ra phương pháp nào chữa dứt điểm và làm trẻ hóa cột sống. Việc điều trị chỉ mang tính chất giảm nhẹ triệu chứng, làm gia tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh:
- Ở giai đoạn đầu, khi các cơn đau ít hoặc mới ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải để cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Nếu bệnh chuyển nặng, các cơn đau xuất hiện dữ dội và liên tiếp nhiều ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ... kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Có thể phối hợp với vật lý trị liệu giúp phục hồi và tăng cường các chức năng của cột sống.
- Việc điều trị bằng phẫu thuật chỉ được chỉ định khi người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa kéo dài, hoặc co hẹp ống sống mà các biện pháp điều trị nội khoa không hiệu quả
8. Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
Tỉ lệ mắc bệnh nữ: nam là 9 : 1, chủ yếu ở độ tuổi 20 – 30. Lupus ban đỏ không phải là một căn bệnh đơn độc, biểu hiên rất đa dạng, từ biểu hiện nhẹ trên da, tổn thương khớp cho đến sự suy thận tiến triển nhanh, co giật, những tổn thương thần kinh và có thể gây mù lòa.
Các cơ quan thường bị tổn thương bao gồm: khớp, da, thận, tế bào máu, tim, phổi, thần kinh…
Điều trị lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống khó điều trị dứt điểm được, tuy nhiên có thể giảm đáng kể biến chứng của bệnh, cũng như giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ hơn. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
Các biện pháp tránh khởi phát đợt cấp, quản lý thai nghén Thuốc chống viêm không steroid
Bên cạnh đó, cần nghỉ ngơi nhiều và tránh phơi nắng. Đi nắng đội mũ nón rộng vành, mặc quần ó dài tay vì tia UVA làm sẽ trầm trọng bệnh.
- Thuốc Corticoid kéo dài
- Thuốc chống thấp tác dụng chậm
9. Viêm đa cơ
Viêm đa cơ là nhóm bệnh tự miễn với tổn thương chính là tình trạng viêm mạn tính của các bó cơ vân với biểu hiện đặc trưng là yếu cơ vùng gốc chi đối xứng hai bên có kèm tăng các men cơ xương. Bệnh gây ra các triệu chứng:
Yếu cơ ở vùng vai, cánh tay, chậu, đùi thường tổn thương nhất, người bệnh mệt mỏi khi vận động hoặc thực hiện các động tác cần nâng vai. Giai đoạn này các cơ khác cũng có thể tổn thương, kể cả cơ tim. Tổn thương da: ban ở các vùng da hở. Ban này thường rất ngứa, khiến người bệnh mất ngủ. Các tổn thương ở đầu khiến người bệnh bị hói đầu. Các ban tím sẫm xuất hiện quanh hốc mắt. Một số biểu hiện khác không đặc trưng như: hồng ban ở má, nhiều chấm nhỏ khiến da lốm đốm, nhạy cảm với ánh nắng, các biến đổi ở quanh móng và biểu bì. Các biểu hiện của viêm đa cơ và viêm da cơ khác: đau khớp, viêm khớp, tổn thương ống tiêu hóa, tổn thương phổi.